Thẻ tín dụng ngân hàng đem đến cho khách hàng những lợi ích to lớn, sự hữu ích, tiện dụng nhưng cũng sẽ là một con dao hai lưỡi nếu như bạn sử dụng không có một kế hoạch rõ ràng cùng một mức độ chi tiêu hợp lý. Trong trường hợp bạn không thể trả được số tiền đã dùng ở thẻ tín dụng. Bạn sẽ bị đánh giá là nợ xấu thẻ tín dụng của ngân hàng.
1. Nợ xấu thẻ tín dụng ngân hàng là gì?
Nợ xấu thẻ tín dụng là khi khách hàng sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán chi tiêu hoặc rút tiền mặt trực tiếp, nhưng lại không trả đủ nợ khi đến hạn thanh toán. Chủ thẻ tín dụng có thể thanh toán quẹt thẻ, mua hàng online hoặc vay nóng tiền mặt. Tuy nhiên vì nhiều lý do nên họ mất khả năng trả nợ cho ngân hàng, nợ xấu thẻ tín dụng bắt đầu được hình thành từ đây và kéo theo nhiều hệ luỵ.
Do tính năng ưu đãi vốn có của thẻ tín dụng là khách hàng có thể vay tiền ngân hàng để sử dụng chi tiêu trước rồi trả lại tiền sau dẫn đến trường hợp một số chủ thẻ chi tiêu “quá tay”. Mặc dù các ngân hàng phát hành thẻ tín dụng đã ân hạn tối đa từ 45 – 55 ngày không bị tính lãi, nhưng đối với những chủ thẻ này, vì không chi trả khoản nợ tối thiểu do ngân hàng yêu cầu khi đến hạn và cộng với việc bị tính lãi suất phạt dẫn đến khả năng chi trả được càng thấp hoặc khách hàng chây ì không trả dẫn đến việc bị liệt vào danh sách “con nợ xấu” về thẻ tín dụng của ngân hàng.
Nguyên nhân dẫn đến nợ xấu thẻ tín dụng ngân hàng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ xấu. Như:
- Chi tiêu quá đà, “vung tay quá trán” trong chi tiêu và không có kế hoạch cũng như phương án an toàn tài chính thích hợp.
- Bỏ quên thời hạn phải thanh toán khoản chi tiêu từ thẻ tín dụng khi đến hạn làm gia tăng số tiền phải thanh toán.
2. Các loại phí phạt nợ xấu thẻ tín dụng
Phí phạt quá hạn (phạt trả chậm)
Phí trả chậm quá hạn là số tiền mà khách hàng phải nộp lại cho ngân hàng nếu không thanh toán đầy đủ và đúng hạn số tiền tối thiểu cần phải trả cho ngân hàng.
Khách hàng sẽ phải chịu mức phí phạt khi trả ít hơn số tiền tối thiểu mà mỗi ngân hàng quy định. Số tiền tối thiểu này dao động ít hơn hoặc nhiều hơn khoảng 5% / tổng số tiền bạn sử dụng qua thẻ tín dụng trong kỳ thanh toán.
Các mức phí phạt của được quy định theo từng ngân hàng, thường là 4% số tiền thanh toán chậm của khách hàng đó, mức quy định tối thiểu 50.000 VNĐ tùy ngân hàng.
Ví dụ: Bạn dùng thẻ tín dụng để mua một chiếc điện thoại trị giá 10 triệu đồng, thì số tiền tối thiểu phải trả khi đến hạn thanh toán là 10 triệu x 5% = 500.000 VNĐ. Nhưng khi tới hạn, bạn chỉ trả được 490.000 VNĐ thì ngoài lãi suất, bạn sẽ bị tính phí trả chậm là 10 triệu x 4% = 400.000 VNĐ.
Lãi suất bị áp dụng
Lãi suất thẻ tín dụng là khái niệm dùng để chỉ mức lãi suất mà chủ thẻ tín dụng phải chịu khi thanh toán chậm khoản dư nợ thẻ tín dụng của tháng kề trước. Cần đặc biệt lưu ý, khi bạn thanh toán hóa đơn sao kê thẻ tín dụng, bạn phải thanh toán đủ đến từng đồng.
Lãi suất này có thể lên tới 30% / năm và nếu bạn không thanh toán đủ tổng số tiền đã dùng từ thẻ tín dụng (không phải số tiền tối thiểu như phí phạt trả chậm) thì lãi suất sẽ được tính từng ngày cho đến khi bạn trả xong.
Phí phạt sử dụng vượt hạn mức tín dụng
Với mỗi thẻ tín dụng được phát hành, ngân hàng sẽ quy định một hạn mức sử dụng tối đa dành cho khách hàng gọi là số tiền tối đa được cấp mỗi tháng. Nếu trong tháng chi tiêu cao hơn hạn mức, bạn sẽ phải nộp thêm phí này (khoảng 5% trên số tiền vượt).
Lời khuyên dành cho các bạn
- Nhằm tránh bị liệt vào danh sách nợ xấu thẻ tín dụng, khách hàng cần cân nhắc chi tiêu hợp lý, tốt nhất là trả nợ thẻ trong thời gian ân hạn không bị tính lãi suất. Bởi các khoản phí phạt trả nợ chậm sẽ ngày càng nhiều theo thời gian trả chậm (tính theo ngày).
- Cố gắng thanh toán các dư nợ càng sớm càng tốt.
- Hạn chế tối đa rút tiền mặt tránh khoản phí rút tiền mặt phải trả.
- Không mở quá nhiều thẻ tín dụng tránh mang lại điểm tín dụng không tốt cũng như là ảnh hưởng đến hạn mức sử dụng của mỗi thẻ tín dụng.
- Hiểu rõ cách sử dụng thẻ tín dụng cũng như cách tính lãi của ngân hàng.
- Thường xuyên theo dõi hoạt động tín dụng của thẻ: hàng tháng ngân hàng sẽ gửi lịch sử giao dịch cho bạn, tuy nhiên bạn vẫn có thể xem các hoạt động tài khoản của mình bằng cách theo dõi số dư thẻ tín dụng trực tuyến.
- Trước khi mua một sản phẩm nào đó bằng thẻ tín dụng, hãy cân nhắc thử xem bạn có khả năng thanh toán khoản đó trong tương lai hay không.
- Có kế hoạch chi tiêu hợp lý để không vượt quá khả năng chi trả.
Hi vọng với những kiến thức trên về việc sử dụng hợp lí thẻ tín dụng, Cardtot mong rằng bạn sẽ lập cho mình một kế hoạch tài chính an toàn và hiệu quả đồng thời không trở thành một điểm nợ xấu thẻ tín dụng tại ngân hàng.